Nghĩa Mẹ Tình Mẹ
Qua Những Tác Phẩm Văn Nghệ Việt Nam
Doãn Quốc Sỹ
Hình như nhà thơ Pháp có nói: "L'amour d'une mère,
l'amour que nul n'oublie".
"Tình mẹ là thứ tình không ai quên được"
Ôi, vào những trường hợp ngạc nhiên, đau đớn
người ta kêu "Giời ơi". "Trời ơi," "Phật ơi" và
cũng không thể "Mẹ ơi".
Trong thời gian cuộc kháng chiến thần thánh chống
Pháp của ta, bộ đội phục kích của ta đã nhiều
khi bắt gặp lời kêu "mẹ ơi" "oh maman" của lính
Pháp khi bất chợt bị ngã đạn. Sự kiện này đã
được cơ quan địch vận của ta ngày đó phổ
biến trong truyền đơn, báo chí và truyền thanh
để kêu gọi lính Pháp nghĩ đến tình mẹ mà hạ
súng, tẩy chay cuộc chiến phi nhân phi nghĩa
của thực dân tái chiếm thuộc địa đó.
Mẹ, Tình Mẹ, Quê Mẹ rồi như trong trường ca Mẹ
Việt Nam của Phạm Duy gồm Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông
Mẹ, Biển Mẹ, quả thật tất cả những gì dính
líu đến Mẹ Việt Nam, tình Mẹ Việt Nam, đều
gây một âm hưởng bao dung và hiền dịu, thắm
thiết và ai hoài, mênh mông và bất tuyệt trong
lòng chúng ta như vậy.
Và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhạc sĩ
Phạm Duy đã đồng hóa Mẹ Việt Nam thành lịch sử
Việt Nam, lịch sử một dân tộc bi hùng trên mảnh
đất chịu đựng bao đau thương, thử thách này.
Chúng ta hãy ôn lại nhạc và lời của khúc trường
ca bất hủ này.
Nerhu trước khi chết để lại di chúc xin hỏa
táng xác phàm của mình thành tro than, rồi rắc
xuống cánh đồng bát ngát xứ Ấn, để được
vĩnh viễn thể nhập vào mảnh đất quê hương,
để được vĩnh viễn sống giữa những người
dân quê Ấn cần cù và muôn vàn khổ cực.
Những chính khách lỗi lạc, không vong ân bao giờ
họ cũng có cái nhìn kính ái về phía những
người dân quê chân lấm tay bùn, tăm tối kia,
nhưng chính họ mới là phần nền móng của dân
tộc, họ nuôi nước, họ mở nước, họ giữ
nước. Cho nên mở đầu trường ca MẸ VIỆT NAM,
Phạm Duy đã khẳng định ngay bằng câu ngâm của ca
khúc 1 "Mẹ ta", ngay Phần Đầu Đất Mẹ:
Mẹ Việt Nam không son không phấn,
Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn.
Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm,
Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng.
Tiếng ca như thoát từ lòng đất mẹ, từ luống
cày, từ nương khoai, nương sắn, hồn nhiên thanh
nhẹ như gió lúa hương cau (cung đô thứ).
Lịch sử Việt Nam từ ngày lập quốc đến nay,
dân tộc ta có mấy lúc được thanh nhàn? Lịch
sử một dân tộc đoạn trường. Bởi vậy, trong
trường ca Mẹ Việt Nam gồm bốn phần (ĐẤT MẸ -
NÚI MẸ - SÔNG MẸ - BIỂN MẸ), 21 ca khúc thì ở ngay
Phần Một ĐẤT MẸ, sau ca khúc 1 "Mẹ Ta" sang đến
ca khúc 2 "Mẹ Xinh Đẹp" là ca khúc tươi tắn
nhất. Đây là thuở Mẹ mới là cô gái đôi tám,
xuân tình rờ rỡ, má hồng, môi đỏ, mắt long lanh.
Đây là ca khúc duy nhất nhịp nhàng, tình tứ, lòng
xuân phơi phới, hồn Mẹ như vòm trời xanh thăm
thẳm không gợn một chút mây buồn. Vào ca khúc
3 "Mẹ Chờ Mong" đã phảng phất u hoài, mặc dầu
sang ca khúc này nhạc sĩ đã chuyển từ cung đô sang
cung mi giảm trưởng. Ca khúc 4 "Lúa Mẹ" cũng như ca
khúc 5 "Mẹ Đón Cha Về" nét nhạc vào khúc thì
tươi dòn nồng thắm, nhưng từ giữa khúc trở đi
là mang mang chinh chiến, bàng bạc phân ly.
Sang Phần Hai NÚI MẸ, ca khúc 6 "Mẹ Hỏi", định
mệnh truân chuyên những sầu hận biệt ly của
mùa chinh chiến miên man, tàn khốc hầu như bất
tận đã lộ rõ:
Lính vua, lính chúa, lính làng
Giết bao nhiêu giặc cho chàng phải đi.
Chinh chiến định mệnh bùng nổ "Mẹ Bỏ Cuộc Chơi"
(ca khúc 7) là lẽ đương nhiên. Chinh chiến khốc
liệt hứa hẹn chắc chắn và gần kề cảnh núi
xương chất ngất, sông máu cuộn dâng.
Ca khúc 8 "Mẹ Trong Lòng Người Đi", người ra đi
giữ nước vừa mở nước, nhịp mạnh rền Allegro
Marcia, cung đô trưởng, hào hùng trong hướng
mắt tương lai, nhưng vô cùng ai hoài trong
hướng chiếu dĩ vãng, đúng hệt với ý câu thơ
khuyết danh nào trước đây:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Mẹ ở lại với con thơ, với vườn dâu, nuôi Mẹ
thay chồng. Mẹ đã là chinh phụ. Nghẹn ngào. Héo
hon. Sầu chất ngất. Nhưng quả cảm. Cho đến lúc,
còn có cách nào khác hơn, "Mẹ Hóa Đá" (ca khúc 10):
Gió mùa đông
Mẹ không thấy mỏi
Đứng trông về
Bốn cõi trời xa
. . . . ..
Thương thi sĩ hay buồn
Cho nên mẹ hóa ra hòn núi cao.
Hạnh phúc sum họp lứa đôi với chồng trước
đây chỉ lóe rạng mong manh như ánh bình minh một
ngày thu gió giập mưa vùi, rồi là chia ly, nhọc
nhằn về thể xác, ê chề về tinh thần, mẹ là
chinh phụ, mẹ hóa đá, mẹ chỉ còn biết chắt gạn
lấy chút niềm vui ở nơi đàn con thơ đang bừng
lớn; nhưng than ôi, bi kịch Mẹ Việt Nam tới
đây - (Phần Ba - Sông Mẹ) - mới thật sự bị cuốn
hút vào đáy vực của Bão Tố Khổ Đau.
Thoạt Ca Khúc 11 "Muốn Về Quê Mẹ" thốt lời ảo
não, vần vũ trong gió chiều, bềnh bồng cùng mây
trời, mênh mang cùng trong nước:
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn vê quê mẹ mà không có đò.
Vì những dòng sông - lũ con - đã bị cuốn hút
vào Dục Vọng, thực sự thành hiện thân của những
tham sân si, chịu nặng nghiệp chướng. Từ lập
công cứu nước (ca khúc 12 "Sông Còn Mải Mê"
chúng đã chuyển sang tranh bá đồ vương với nhau
(ca khúc 13 "Sông Vùi Chôn Mẹ"). Mẹ Việt Nam bị
xoáy cuộn xuống tới đáy vực bi thảm ở đây,
và còn bị tiếp tục giữ ở đáy vực bi thảm này
qua hai ca khúc liên tiếp, ca khúc 14 "Sông Không
Đường Về", và ca khúc 1 "Những Dòng Sông Chia
Rẽ". Mãi cho tới cuối ca khúc này mới thấy một
giọt sương mát long lanh, một búp gió hiền, đó là
lời gọi bao dung và thiết tha của Mẹ:
Lũ con lạc lối đường xa
Có con nào nhớ mẹ ta thì về."
để chuyển sang Phần Bốn - BIỂN MẸ.
"Trái Cây Đau Khổ" (1) của Phần SÔNG MẸ hung hãn,
hẹp hòi, phân hóa, đã mở lối thoát thành Mẹ
Trùng Dương (ca khúc 16):
Sóng vỗ miên man
Như câu ru em
Của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông
Như đôi tay ôm
Của Mẹ Trùng Dương
. . . . . .
Mẹ từ thuở ban đầu cô gái quê đôi tám "đôi
má tươi hồng, đôi bàn tay trắng, lưng ong, vai
lẳn, vú căng tròn" qua cuộc hành trình dài một
đời khổ đau, nay đã tóc bạc da mồi.
Đâu đây âm hưởng, tiếng thuyền chài hô biến,
âm hưởng sóng vỗ mênh mang, nhưng đó cũng lá
tiếng Biển Mẹ gọi con về ca khúc 17 "Biển Động
Sóng Gợn" mênh mông và hiền dịu lạ lùng:
Hà hơ... biển động sóng gợn tứ bề
Gọi thuyền viễn xứ quay về biển đông
Sông ra đi từ khi non dại
Từ miền ngoài sông lại Việt Nam
Có từ Hy Mã Lạp Sơn
Cũng về biển mẹ thành con một nhà.
Ý thức và vô thức kiêu mà hiền! Ca khúc viết
ở cung mi giảm thứ sáu bémol. Sức chịu đựng và
tính bao dung đã đạt tới gần mức sơn cùng thủy
tận, để rồi từ đó thoát chyển sang ca khúc
18 "Thênh Thang Thuyền Về", ánh sáng rưng rưng
huyền ảo như ánh bình minh đầu tiên miền địa
cực sau sáu tháng đêm dài giá lạnh. Nét cò lả
quen thuộc mở đầu phần kết thúc cho ca khúc
này nghe mềm và ấm như khóc cho hết nước mắt
để rửa sạch cõi lòng, truân chuyên còn đấy
nhưng thanh thản đã về:
Mẹ già đang đón chờ ta
Có đàn chim én từ xa về rồi
Quê ta đẹp lắm mẹ ơi
Biển êm sóng lặng nước nôi hiền lành.
Và thực sự kết thúc ca khúc bằng ước nguyện
nhắn nhủ:
Về đây xây đắp mối tình
Mối tình Việt Nam
Yêu Mẹ già
Thương Mẹ ta
Đàn con nhỏ
Nhớ yêu nhau
Đàn con nhỏ
Nhớ thương nhau.
Chuyển sang ca khúc 19 "Chớp Bể Mưa Nguồn" ta
bắt gặp một hình ảnh hướng thượng và thăng hoa
vô tiền tuyệt hậu trong thi giới và nhạc giới
hoàn vũ:
Mẹ cười bốc thành hơi
Mây từ biển quý lên ngôi trời già.
Cứ như vậy trời mây mở rộng biển cả nối
liền thơm ngát yêu thương, thơm ngát tình người,
thơm ngát tình thiên nhiên cây cỏ, Mẹ đã thành
Bà, từ những chua cay ngút ngàn Mẹ cắn răng
chịu đựng, thời gian gội tóc trắng phau phau" (2).
Mẹ đau thương lên ngôi Bà hiền hậu với ca khúc
20 "Phù Sa Lớp Mây Trời Cuốn Bay":
Triều dâng
Ngọn sóng theo trăng vào bờ
Ngọn triều dâng sóng nhấp nhô
Đồng chua rộng nới thành ta ruộng mềm
Đền bồi cho máu về tim
Có đàn cháu bé nhìn chim ngoài trời
Mây bay đẹp lắm bà ơi
Làn mây trắng, cuộn khắp nơi đợi chờ
Làn mây che nắng bốn mùa
Hay là cho nước Mẹ mưa ngọt bùi.
Dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam, Mẹ Việt
Nam, Mẹ tượng trưng cho lịch sử gian truân bi hùng.
Như vậy.
Để khép bài này, tôi vẫn muốn nhắc lại câu thơ
của người lính xấu số kia, câu thơ thổn thức
não nề, hướng về quê nhà, Quê Mẹ, tập trung ở
ngay hình ảnh người Mẹ:
Giày vẹt gót, áo sờn vaithấm thấm lạnh.
Những chiều Trường Sơn, núi đồi cô quạnh.
Mẹ hiền ơi con trót nhớ quê mình!!
Mẹ hiền như ánh đuốc soi sáng lương tâm những
lúc đi lạc trong biển sương mù.
Saigon, Vu Lan 2517 (1973)
DOÃN QUỐC SỸ
(1) Tên vở kịch của Soạn giả, Sáng Tạo xuất bản 1963
(2) Thơ Đoàn Văn Cừ